Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Head Hunter - nghề hấp dẫn và những điều ít người biết

Làm trong ngành nhân sự 7 năm ở vị trí chuyên gia tư vấn cấp cao tại 1 vài tập đoàn nước ngoài. Hiện tại, tôi đang quản lý mảng Head Hunting tại một công ty cung cấp trọn gói các giải pháp về nguồn nhân lực. Có nhiều bạn hỏi tôi về dịch vụ này. Hôm nay, tôi chia sẻ bài viết này để các bạn có cái nhìn tổng thể về nghề Head Hunting.

Ai là người cần đến Head Hunting?

Khi các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ngoài các yêu cầu tư vấn về nhân lực, về văn hóa và các điều luật tại nước sở tại, họ rất cần những người quản lý cấp cao hội đủ khả năng và tố chất lãnh đạo để lèo lái cả một tập đoàn trong môi trường mới đầy cạnh tranh và thử thách. Làm sao để tìm được người thích hợp? Đưa CEO người nước ngoài từ tập đoàn về quản lý sẽ có những ưu điểm bên cạnh những khuyết điểm. Họ có thể nắm rõ chiến lược của tập đoàn, phong cách làm việc chuyện nghiệp và đưa ra những kế sách hay. Tuy nhiên họ sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường sống mới, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, sự thiếu hụt nhân lực và những trải nghiệm ở thị trường nội địa... Giải pháp thứ hai là tìm một người hội tụ đủ các yếu tố trên và đủ “tầm” để có thể tin tưởng giao cả số mệnh của cả một tập đoàn. Vậy tìm người đó ở đâu? Lúc này, những Head Hunter sẽ ra tay.

Công việc của một Head Hunter

Cụm từ Head Hunting (săn đầu người) và Head Hunter (người đi săn đầu người) hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng công việc của họ thì chưa được nhiều người hiểu một cách đầy đủ. Trong xu thế thị trường cạnh tranh, nhu cầu “chiêu hiền đãi sĩ” được các công ty đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Nhân sự nội bộ cũng không dễ dàng tìm kiếm một ứng viên phù hợp trong trăm ngàn hồ sơ thông qua các quảng cáo tuyển dụng và việc hạn chế mối quan hệ với nguồn ứng viên cao cấp ngoài thị trường cũng ít nhiếu ảnh hưởng đến chất lượng “đãi cát tìm vàng”. Tương tự như vậy, các chiến binh qua nhiều năm kinh nghiệm thương trường, nắm giữ các vị trí chủ lực của công ty – họ sẽ không dễ dàng công khai hồ sơ trên những phương tiện đại chúng như các website tìm việc, báo chí hay nộp đại trà vào các công ty đang tuyển dụng mà trên hết họ cần tìm hiểu thông tin đầy đủ về một công ty mà họ nhắm đến. Và cả hai nhu cầu gặp nhau ở Head Hunter.
Bên cạnh đó, Head Hunter cũng cần tìm hiểu về văn hóa gia đình của ứng viên, tính cách, quan niệm sống và định hướng nghề nghiệp đê có sự tư vấn các cơ hội thích hợp nhất nhằm giúp họ thăng hoa trong sự nghiệp.
Nhu cầu tuyển dụng người tài hiện khá cao, chúng tôi có hơn 100 vị trí cấp cao mỗi tháng. Trong năm 2009 – 2010, nhu cầu sử dụng dịch vụ Head Hunting tăng cao từ 2 ngành Tài chính – Ngân hàng và ngành Công nghiệp nặng được các nhà đầu tư từ những quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Singapore, Kongkong, Úc, Nhật...

Tố chất để trở thành một Head Hunter thành công?

Một Head Hunter giỏi cần có đến 60% kĩ năng sales và 40% kĩ năng về nhân sự, bước chân vào nghề này với “background” xuất thân từ sales sẽ là một lợi thế. Ngoài ra, một head hunter thành công là người có phong thái cởi mở, tự tin trong giao tiếp, biết xây dựng và phát triển các mối quan hệ, là người kết nối trong công đồng. Họ đòi hỏi phải luôn thắp sáng suy nghĩ lạc quan, khéo léo nắm bắt tâm lý và tinh tế trong cách xử lý tình huống. Ngoài ra họ cần phải khách quan trong việc đánh giá ứng viện dựa trên năng lực, tố chất qua hành vi...chứ không dựa trên cảm nhận cảm tính.
Head Hunter luôn có sẵn một cơ sở dữ liệu ứng viên riêng cùng với sự am hiểu về thị trường trong lĩnh vực hoạt động, để khi có yêu cầu từ khách hàng họ sẽ phải định hình sẵn trong đầu những ứng viên tương ứng với vị trí đó giúp quá trình hỗ trợ khách hàng nhanh nhất và có chất lượng nhất.
Head Hunter không dừng lại ở góc độ tuyển thành công 1 vị trí cho khách hàng. Hơn thế nữa họ còn đảm bảo ứng viên trong quá trình làm quen với môi trường làm việc mới và tư vấn thêm cho họ những thông tin về công ty. Trong trường hợp họ ra đi thì Head Hunter cũng là người cần phải tìm hiểu để biết được lý do sâu thẳm, sự phù hợp và chưa phù hợp ở những góc độ nào, dồng thời nắm được những ưu – khuyết điểm của công ty tuyển dụng. Sau đó sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp hơn cho những lần tuyển dụng sau. Mà những điểm này bình thường không phải lúc nào cũng biết được.
Sự đến – đi giữa ứng viên với các công ty có nhu cầu tuyển dụng cũng là một điểm lợi của các dịch vụ Head Hunting, vì nguồn nhân lực chỉ chảy từ nơi này sang nơi khác. Do đó, dịch vụ Head Hunting lại càng nở rộ. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng có thể sử dụng cùng lúc nhiều đơn vị khác nhau để tìm kiếm nhân sự cấp cao bởi vì chi phí cho dịch vụ bằng 0%, trừ khi giới thiệu ứng viên thành công thì chi phí dịch vụ mới được tính dựa trên mức lương của ứng viên, nên cuộc cạnh tranh giữa các Head Hunter nói riêng và các công ty tư vấn nhân sự có dịch vụ Head Huting nói chung ngày càng khốc liệt. Và tất nhiên, sẽ không có chỗ đứng cho những “thợ săn” không thực sự chuyên nghiệp và không trau dồi kĩ năng cần thiết.
head hunter
head hunter

Có nhiều ý kiến cho rằng, những Head Hunter thường bị những công ty có nhân sự cao cấp “sợ và ghét”. Lý do là họ “lôi kéo” nhân sự giỏi của họ qua đầu quân cho công ty đối thủ cạnh tranh, nhưng cá nhân tôi cho rằng, mỗi công ty thực sự tốt sẽ phải xây dựng những chiến lược về nhân sự và chính sách giữ chân nhân sự giỏi hiệu quả, còn không, nhân sự ra đi là điều tất yếu, không cần phải đến khi những Head Hunter cho họ biết về các offer tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét